Mạn đàm: làm sao để quy chính con cái khó bảo
Ngày xưa, những đứa trẻ ngỗ nghịch thường được cha mẹ xin gửi lên Chùa. Gửi con lên Chùa có những yếu tố nào mà lại có thể giúp trẻ trở lên tốt hơn? Xin đưa ra ở đây một số thiển ngộ:
1. Giới
Giới là giới luật, là các quy tắc nghiêm ngặt mà người tu hành phải tuân theo như đọc kinh, thiền định, quét dọn, làm ruộng, bổ củi, gánh nước, nấu cơm.
Giới còn một ý nghĩa thứ hai là giới cấm, là cách ly, đoạn tuyệt với những thứ hấp dẫn, kích thích dục vọng của con người ta.
2. Định
Định là việc thực hành các quy tắc mà giới luật đưa ra, qua lao động, cực nhọc, trải qua thời gian, các ham muốn dục vọng được kềm chế, phai nhạt đi, năng lực khống chế (định trụ lại) của bản thân cũng dần được nâng lên.
3. Huệ
Thực hành giới và định tốt rồi, huệ là trí huệ sẽ phát triển trở lại. Ngoài ra có thể hiểu huệ gắn liền với một việc quan trọng trong tu dưỡng là học đạo lý. Môi trường nhà Chùa năm xưa có nhiều tăng nhân mẫu mực, uyên thâm cũng góp phần tạo ra một môi trường lành mạnh và tốt cho giáo dục đạo lý.
Ngày nay để giáo dục trẻ tốt cũng vậy, cần tạo ra cho trẻ một môi trường thuần tịnh nhất có thể, trẻ cần được đưa vào khuôn khổ kỷ luật của học tập, lao động, cần có những tấm gương, thầy giỏi để giáo dục đạo lý. Giáo dục đạo lý khác với trang bị kiến thức, mọi hoạt động của con người đều xuất phát từ Tâm của họ, giáo dục đạo lý chính là nhắm thẳng vào tâm con người, là thứ cốt lõi diễn hóa ra đủ mọi biểu hiện bên ngoài.
Người xưa có câu: "Có dư sức thì học văn" hay "Tiên học lễ hậu học văn", nhà Phật dạy chịu khổ, trượt ngã mà ngộ đạo, nếu trẻ khó bảo, đừng chỉ để trẻ thuần túy học tri thức, con đường học thuật không nhất định là phù hợp, cần chú trọng lao động, học lễ nghĩa trước.
Comments
Post a Comment